Theo phóng viên tại Liên hợp quốc, ngày 9/7, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo rằng vào năm 2050, năng lượng Mặt Trời có thể đáp ứng 16% nhu cầu toàn cầu về tạo nhiệt và làm lạnh.
Đầu tư phát triển các công nghệ tạo nhiệt và làm lạnh bằng năng lượng Mặt Trời có thể tránh được 800 mêga tấn khí thải cacbonic (CO2) mỗi năm vào năm 2050, tương đương với tổng lượng khí thải CO2 của Đức năm 2009.
IEA đưa ra lộ trình về tạo nhiệt và làm lạnh bằng năng lượng Mặt Trời (SHC), trong đó xác định những phương thức tối ưu để thúc đẩy nâng cấp các công nghệ tạo nhiệt và làm lạnh bằng năng lượng Mặt Trời.
alt
Các công nghệ như công nghệ sưởi trong nhà bằng nước nóng hầu như không thải khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Tuy năng lượng Mặt Trời được sử dụng để tạo nhiệt và làm lạnh hiện vẫn chiếm phần nhỏ trong nhu cầu năng lượng thế giới, nhưng lộ trình mới của IEA nhấn mạnh nếu các chính phủ và ngành công nghiệp có hành động cụ thể, năng lượng Mặt Trời có thể sản xuất hàng năm hơn 16% tổng năng lượng được sử dụng để tạo nhiệt độ thấp và 17% tổng năng lượng dùng để làm lạnh trên toàn cầu. Để đạt được mục tiêu này, thế giới phải tăng gấp 25 lần mức độ triển khai công nghệ SHC trong vòng 4 thập kỷ tới.
Nhu cầu năng lượng toàn cầu dùng để đốt nóng tạo nhiệt chiếm khoảng 50% mức sử dụng cuối cùng về năng lượng của toàn cầu, hơn cả nhu cầu năng lượng toàn cầu về điện và vận tải.
Sử dụng năng lượng Mặt Trời để đốt nóng góp phần quan trọng giúp giải quyết cả 2 thách thức lớn là biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng.
Ngoài việc thay thế nhiên liệu hóa thạch trực tiếp đốt nóng để tạo nhiệt, các công nghệ tạo nhiệt bằng năng lượng Mặt Trời có thể thay thế điện để làm nóng nước cũng như sưởi ấm các tòa nhà.
Công nghệ làm lạnh bằng nhiệt độ từ năng lượng Mặt Trời có thể làm giảm gánh nặng cho các mạng điện lưới quốc gia thông qua việc thay thế hoàn toàn hoặc một phần các hệ thống điều hòa nhiệt độ chạy bằng điện trong các tòa nhà.
Lộ trình phát triển sử dụng năng lượng Mặt Trời cũng mở rộng quy mô sử dụng các công nghệ này trong công nghiệp. Các quá trình công nghiệp hứa hẹn tiềm năng khổng lồ cho những công nghệ đốt nóng tạo nhiệt bằng năng lượng Mặt Trời. Các công nghệ này có thể đáp ứng 20% tổng nhu cầu năng lượng công nghiệp toàn cầu về đốt nóng nhiệt độ thấp vào năm 2050.
Tuy nhiên, IEA nhấn mạnh nhu cầu hỗ trợ phát triển năng lượng Mặt Trời bằng các chính sách cụ thể và thực tế.
Các nước cần tạo được các khuôn khổ chính sách dài hạn ổn định để phát triển những công nghệ tạo nhiệt và làm lạnh bằng năng lượng Mặt Trời, khuyến khích về kinh tế, loại bỏ các trở ngại như thiếu tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng, cung cấp tài chính và cơ chế hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và triển khai để các công nghệ hứa hẹn ở giai đoạn đầu có thể đạt được quy mô sản xuất thương mại cao trong vòng 10 năm.
Các tổ chức tài trợ ở các nước đang phát triển cũng cần đẩy nhanh triển khai các công nghệ SHC đã chín muồi và có sức cạnh tranh cao.